[Cập nhật] Nội dung Nghị định 02/2020/NĐ-CP của chính phủ
Ngày 01/01/2020, Nghị định 02/2020/NĐ-CP được chính phủ ban hành với mục đích sửa đổi, bổ sung một số điều khoản nằm trong Nghị định 131/2015/NĐ-CP ngày 25/12/2015 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện dự án quan trọng quốc gia.
Nội dung Nghị định 02/2020/NĐ-CP:
CHÍNH PHỦ ———– Số: 02/2020/NĐ-CP |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ———— Hà Nội, ngày 01 tháng 01 năm 2020 |
NGHỊ ĐỊNH
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2015/NĐ-CP
ngày 25 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ hướng dẫn
về dự án quan trọng quốc gia
———————-
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Đấu thầu ngày 26 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2015/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2015/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia:
- Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 3 như sau:
“1. Dự án quan trọng quốc gia được quy định tại Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng năm 2014 và dự án do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư năm 2014, sau đây gọi chung là dự án quan trọng quốc gia.”
- Sửa đổi, bổ sung tiêu đề Mục 1 Chương IV và nội dung các Điều: 13, 14, 15 như sau:
“Mục 1
HỒ SƠ VÀ NỘI DUNG THẨM ĐỊNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ DỰ ÁN
QUAN TRỌNG QUỐC GIA SỬ DỤNG VỐN ĐẦU TƯ CÔNG
Điều 13. Hồ sơ trình thẩm định của chủ đầu tư hoặc đơn vị trực thuộc cơ quan được giao chuẩn bị đầu tư
- Hồ sơ trình thẩm định gồm:
- a) Tờ trình thẩm định;
- b) Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi;
- c) Tài liệu khác có liên quan.
- Chủ đầu tư hoặc đơn vị trực thuộc cơ quan được giao chuẩn bị đầu tư (gọi tắt là chủ đầu tư) gửi 15 bộ hồ sơ dự án theo quy định tại khoản 1 Điều này đến cơ quan chủ quản của mình hoặc cơ quan được giao chuẩn bị đầu tư để tổ chức thẩm định nội bộ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 19 Luật Đầu tư công. Thời gian thẩm định nội bộ không quá 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Điều 14. Hồ sơ trình thẩm định của cơ quan chủ quản chủ đầu tư hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư
- Hồ sơ trình thẩm định của cơ quan chủ quản chủ đầu tư hoặc của cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư (gọi tắt là cơ quan chủ quản) gồm:
- a) Tờ trình Thủ tướng Chính phủ của cơ quan chủ quản;
- b) Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (đã được hoàn thiện theo ý kiến thẩm định nội bộ);
- c) Báo cáo thẩm định nội bộ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 19 Luật Đầu tư công;
- d) Các tài liệu khác có liên quan.
- Cơ quan chủ quản gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi 20 bộ hồ sơ đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận hồ sơ dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước theo quy định tại Điều 4 Nghị định này.
- Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia trong thời hạn 90 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ của dự án.
Điều 15. Hồ sơ của Hội đồng thẩm định nhà nước trình Chính phủ và của Chính phủ trình Quốc hội
- Hồ sơ trình Chính phủ của Hội đồng thẩm định nhà nước gồm:
- a) Tờ trình Chính phủ của cơ quan chủ quản (do cơ quan chủ quản chuẩn bị sau khi đã tiếp thu và hoàn chỉnh hồ sơ dự án theo ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước);
- b) Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã được hoàn chỉnh theo ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước;
- c) Báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước;
- d) Các tài liệu khác có liên quan.
- Hồ sơ Chính phủ trình Quốc hội theo quy định tại Điều 20 Luật Đầu tư công gồm:
- a) Tờ trình của Chính phủ;
- b) Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã được hoàn chỉnh theo ý kiến của Chính phủ;
- c) Báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước;
- d) Các tài liệu khác có liên quan.”
- Bổ sung Mục 4a vào sau Mục 4 Chương IV như sau:
“MỤC 4a
HỒ SƠ VÀ NỘI DUNG THẨM ĐỊNH ĐIỀU CHỈNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ DỰ ÁN
QUAN TRỌNG QUỐC GIA SỬ DỤNG VỐN ĐẦU TƯ CÔNG
Điều 23a. Hồ sơ trình thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư của chủ đầu tư hoặc đơn vị trực thuộc cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư
- Hồ sơ trình thẩm định của chủ đầu tư hoặc đơn vị trực thuộc cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư (gọi tắt là chủ đầu tư) gồm:
- a) Tờ trình thẩm định;
- b) Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh hoặc Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh;
- c) Báo cáo giám sát, đánh giá điều chỉnh dự án đầu tư;
- d) Tài liệu khác có liên quan.
- Chủ đầu tư gửi 15 bộ hồ sơ dự án theo quy định tại khoản 1 Điều này đến cơ quan chủ quản của mình hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư để tổ chức thẩm định nội bộ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 34 và điểm b khoản 1 Điều 19 Luật Đầu tư công. Thời gian thẩm định nội bộ không quá 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
- Chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ dự án theo nội dung thẩm định, chuẩn bị hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ.
Điều 23b. Hồ sơ trình thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư của cơ quan chủ quản chủ đầu tư hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư
- Hồ sơ trình thẩm định của cơ quan chủ quản chủ đầu tư hoặc của cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư (gọi tắt là cơ quan chủ quản) gồm:
- a) Tờ trình Chính phủ của cơ quan chủ quản;
- b) Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh hoặc Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh (đã được hoàn thiện theo ý kiến thẩm định nội bộ);
- c) Báo cáo thẩm định nội bộ theo quy định tại khoản 2 Điều 23a Nghị định này;
- d) Báo cáo giám sát, đánh giá điều chỉnh dự án đầu tư (do chủ đầu tư chuẩn bị);
đ) Các tài liệu khác có liên quan.
- Cơ quan chủ quản gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi 20 bộ hồ sơ đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận hồ sơ dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước theo quy định tại Điều 4 Nghị định này.
- Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia trong thời hạn 90 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ của dự án.
Điều 23c. Hồ sơ của Hội đồng thẩm định nhà nước trình Chính phủ và của Chính phủ trình Quốc hội
- Hồ sơ trình Chính phủ của Hội đồng thẩm định nhà nước gồm:
- a) Tờ trình Chính phủ của cơ quan chủ quản (do cơ quan chủ quản chuẩn bị sau khi đã tiếp thu và hoàn chỉnh hồ sơ dự án theo ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước);
- b) Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh hoặc Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh đã được hoàn chỉnh theo ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước;
- c) Báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước;
- d) Các tài liệu theo quy định tại điểm c, d và đ khoản 1 Điều 23b Nghị định này (do cơ quan chủ quản và chủ đầu tư chuẩn bị).
- Hồ sơ Chính phủ trình Quốc hội theo quy định tương ứng tại Điều 20 Luật Đầu tư công gồm:
- a) Tờ trình của Chính phủ;
- b) Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh hoặc Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh đã được hoàn chỉnh theo ý kiến của Chính phủ;
- c) Báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước;
- d) Các tài liệu theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều này.
Điều 23d. Nội dung thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công
Các nội dung điều chỉnh phải được thẩm định; nội dung thẩm định tương ứng được thực hiện theo quy định tại Điều 16 Nghị định này.”
- Sửa đổi tiêu đề Mục 1 Chương V và nội dung Điều 28 như sau:
“Mục 1
HỒ SƠ VÀ NỘI DUNG THẨM ĐỊNH QUYẾT ĐỊNH ĐẦU TƯ DỰ ÁN
Điều 28. Hồ sơ trình thẩm định
- Hồ sơ chủ đầu tư báo cáo cơ quan chủ quản gồm:
- a) Tờ trình thẩm định;
- b) Báo cáo nghiên cứu khả thi;
- c) Nghị quyết của Quốc hội về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia;
- d) Các tài liệu khác có liên quan.
- Hồ sơ trình thẩm định của cơ quan chủ quản gồm:
- a) Tờ trình Thủ tướng Chính phủ của cơ quan chủ quản;
- b) Báo cáo nghiên cứu khả thi;
- c) Nghị quyết của Quốc hội về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia;
- d) Các tài liệu khác có liên quan.
- Cơ quan chủ quản gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi 20 bộ hồ sơ đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận được đủ hồ sơ dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước theo quy định tại Điều 4 Nghị định này.
- Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định hồ sơ dự án quan trọng quốc gia trong thời hạn 90 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ dự án hợp lệ.
- Hồ sơ Hội đồng thẩm định nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đầu tư dự án gồm:
- a) Tờ trình Thủ tướng Chính phủ của cơ quan chủ quản (do cơ quan chủ quản chuẩn bị sau khi đã tiếp thu và hoàn chỉnh hồ sơ dự án theo ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước);
- b) Báo cáo nghiên cứu khả thi đã được hoàn chỉnh theo ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước, được Hội đồng thẩm định nhà nước giao Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định nhà nước đóng dấu thẩm định trên hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi, bản vẽ thiết kế cơ sở (nếu có). Mẫu dấu thẩm định theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng;
- c) Báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước;
- d) Nghị quyết của Quốc hội về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia;
đ) Các tài liệu khác có liên quan.”
- Sửa đổi, bổ sung Điều 30 như sau:
“Điều 30. Điều chỉnh dự án quan trọng quốc gia
Việc điều chỉnh dự án quan trọng quốc gia được thực hiện theo quy định tại các khoản: 2, 3, 4, 5 Điều 43 Luật Đầu tư công và khoản 1 Điều 61 Luật Xây dựng năm 2014.”
- Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 8 Điều 31 như sau:
“b) Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh đã được hoàn chỉnh theo ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước, được Hội đồng thẩm định nhà nước giao Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định nhà nước đóng dấu thẩm định trên hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh, bản vẽ thiết kế cơ sở điều chỉnh (nếu có).”
- Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 33 như sau:
“2. Đối với dự án đang trong quá trình thực hiện nhưng có tiêu chí thuộc dự án quan trọng quốc gia theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư công và Điều 30 Luật Đầu tư năm 2014, được thực hiện như sau:
- a) Các dự án được tiếp tục triển khai thực hiện; chủ đầu tư báo cáo tình hình thực hiện đến người quyết định đầu tư hoặc cơ quan đăng ký đầu tư;
- b) Người có thẩm quyền quyết định đầu tư hoặc cơ quan đăng ký đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ để Thủ tướng Chính phủ xem xét và chỉ đạo báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm về tình hình triển khai thực hiện dự án;
- c) Việc quản lý đối với các dự án quy định tại khoản này được thực hiện theo quy định tại Quyết định đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã cấp, hoặc các Quyết định đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh trước đó.”
- Đối với dự án đang trong quá trình thực hiện có sự thay đổi, mà các nội dung thay đổi dẫn đến dự án thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia theo quy định tại Điều 7 của Luật Đầu tư công được thực hiện như sau:
- a) Các dự án được tiếp tục triển khai thực hiện; chủ đầu tư báo cáo người quyết định đầu tư về các vấn đề phát sinh;
- b) Người quyết định đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ xem xét và chỉ đạo báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm về tình hình triển khai thực hiện dự án, trong đó có vấn đề phát sinh tiêu chí thuộc dự án quan trọng quốc gia;
- c) Trình tự, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, điều chỉnh dự án được thực hiện theo quy định hiện hành như đối với dự án hoặc nhóm dự án trước khi điều chỉnh;
- d) Việc quản lý đối với các dự án quy định tại khoản này được thực hiện theo quy định của pháp luật về dự án quan trọng quốc gia.”
Điều 2. Điều khoản thi hành
- Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.
- Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận:
– Ban Bí thư Trung ương Đảng; – Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; – Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; – HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; – Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; – Văn phòng Tổng Bí thư; – Văn phòng Chủ tịch nước; – Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; – Văn phòng Quốc hội; – Tòa án nhân dân tối cao; – Viện kiểm sát nhân dân tối cao; – Kiểm toán Nhà nước; – Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia; – Ngân hàng Chính sách xã hội; – Ngân hàng Phát triển Việt Nam; – Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; – Cơ quan trung ương của các đoàn thể; – VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; – Lưu: VT, CN (2b). |
TM. CHÍNH PHỦ THỦ TƯỚNG Nguyễn Xuân Phúc |